Ngày xuân cho chữ - Nét đẹp của thư pháp Việt

Thư pháp Việt
 
Tại chợ chữ Nhà Văn hóa Thanh Niên, năm nào cũng đông khách do con đường này thuận lợi giao thông, thanh niên hay tụ tập. Ông đồ Hoa Nghiêm ở chợ chữ này cho biết, ngày thường thỉnh thỏang người ta mới đi mua chữ, nhưng dịp xuân về thì nhu cầu chơi chữ lại tăng lên do nhà nào cũng cần trang trí phòng ốc, có một vài chữ thư pháp trông có vẻ văn hóa truyền thống và cũng không lấy gì làm tốn kém lắm. Chữ thư pháp dạng này là hàng chợ, không có nét điêu luyện xuất thần, nhưng nếu thư pháp của  các danh họa thì cũng xứng để lộng kính treo quanh năm. Theo Hoa Nghiêm các ông đồ danh tiếng năm nào cũng được các công ty tổ chức sự kiện hợp đồng đi viết cho các buổi tiệc liên quan cuối năm cho các doanh nghiệp nước ngòai. Họ làm ăn ở Việt Nam nhưng cũng hiểu phong tục của Việt Nam nên ngòai việc chiêu đãi tiệc tùng còn muốn có quà tặng cho khách bằng những câu chữ thư pháp.
 
 
 
 Những câu ngắn như “Tấn Tài Tấn Lộc”, “Hòa khí sinh tài” được nhiều khách là doanh nhân ưa chuộng, xin về để treo trong nhà. Khách trẻ tuổi thì lãng mạn hơn, thích câu “Từ em xuân đã trong tôi bốn mùa” , và họ xin đem về tặng cho bạn gái.
Ở các buổi liên hoan trên, khách đến xin chữ, ông đồ cứ cho vì thù lao này đã được “gia chủ” đài thọ. Cô Nguyệt Hồng, nhân viên một công ty chuyên tổ chức sự kiện, truyền thông cho biết, thù lao cho ông đồ mấy năm gần đây có giá cao, nhất là các thầy có thương hiệu như Hiếu Tín, Lê Hải, Hoa Nghiêm. Họ viết chữ có nét đẹp, rõ ràng, dễ đọc, có nghệ thuật chứ không phải vẽ những con giun khiến cho nhiều người khó tính không có thiện cảm với thư pháp Việt. về giá cả thuê ông đồ, cô Hồng cũng tiết lộ, nếu hợp đồng thực hiện trước ngày 20 âm lịch, giá của một ông đồ là 600.000đ/giờ , nhưng phải hợp đồng thực hiện trong hai giờ thì ông đồ mới nhận. Đêm giao thừa thì giá rất cao khoảng 3 triệu đồng trở lên tùy theo khách sạn tiêu chuẩn 4 sao hay 5 sao.
Hành trang của ông đồ ngòai trang phục áo dài đen, khăn đóng, còn phải vác theo một giá treo cọ, một cái triện son, một cái nghiên mực tàu và giấy đỏ. Trung bình cứ một giờ , ông đồ chuyên nghiệp có thể viết được một trăm chữ đơn giản. Anh Hoa Nghiêm cho biết, những khách sạn đông khách như Equatorial, đêm giao thừa là anh viết mỏi cả tay để “sản xuất” hàng trăm tác phẩm. Với khách đông như vậy, hai ông đồ chính làm việc phải có một đến hai ông “đồ phó” để khi tác phẩm viết xong đưa qua cho đồ phó đóng triện. Triện phải lớn đóng trong mực son cho tác phẩm có thêm màu sắc. Đồ phó còn phải mài mực Tàu trong nghiên, cứ dăm ba phút một lần, khi rảnh tay để tạo thêm khung cảnh trang nghiêm cổ kính. Thực ra, động tác này không cần phải làm, vì mực Tàu hiện nay trên thị trường được chế biến sẳn đựng trong chai, đổ ra là dùng ngay được, không cần phải mài.
Viết chữ Hán
Nếu như thư pháp chữ Việt tiếp cận được với giới bình dân thì thư pháp chữ Hán chỉ dành cho hàng trung lưu, quý tộc. Một bức thư pháp của hoạ sĩ Trương Hán Minh, Trương Lộ, Lý Tùng Niên, Lý Khắc Nhu giá không dưới một triệu đồng. Còn những thầy đồ viết chữ Hán trên phố Hải Thượng Lãn Ông xuất hiện vào những ngày cận tết, tháng giêng không phải là thư pháp mà là chữ viết đẹp dành để dán trước cửa nhà. Nếu để chúc tụng thì nhờ viết  Ngũ phúc lâm môn, tấm này trên trước cửa nhà , “Xuất nhập bình an” thì treo từ phòng khách ra bếp, “tứ quý an khang” treo trong phòng khách, “phúc thọ khang ninh” dán trong phòng cha mẹ già.  Trước đây, người ta còn nhờ các ông đồ viết chữ phúc, chữ cát trên giấy hồng đơn để dán trên trái dưa hấu, trái bưởi. nay các chữa đó được in sẳn trên giấy màu đỏ láng, bán rất rẻ nên làm giảm đi công việc của người viết chữ thuê. Tuy nhiên, do có người cầu kỳ, biết chút văn chương , sính chữ tự sáng tác rồi nhờ người viết chữ đẹp viết lên giấy hoa tiên, giấy hồng đơn treo cho khác lạ và như ý muốn, nhờ vậy ông đồ vẫn còn kiếm được thu nhập.
Ai cũng ngỡ qua tết là ông đồ xếp bút nghiên cất xó, nào ngờ ngày mùng 4 tết trên phố Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Trãi (quận 5) vẫn còn bóng dáng ông đồ. Họ trực Tết để chờ các doanh nghiệp đến viết những chữ phục vụ cho ngày khai trương, mà khai trương ở khu Chợ Lớn thường từ mùng 6 đến mùng 9 tháng giêng. Những câu này cũng quen thuộc nhưng không có mẫu in sẳn, nhất là bảng chữ quá lớn tương xứng với một doanh nghiệp lớn. Hơn nữa, một số doanh nghiệp mê tín tin rằng ông đồ nào năm trước viết chữ cho mình làm ăn được, năm nay phải nhờ ông này viết tiếp để lấy hên. Tiết kiệm chi vài chục ngàn đồng để xui sẻo cả năm. Một số chùa người Hoa còn đem đèn giấy đến nhờ ông đồ viết chữ để đem đèn đi đấu giá. Tín chủ nào đóng góp cho chùa nhiều sẽ được thỉnh đèn lồng của chùa về nhà treo, trong đó có đề chữ “một tấm lòng vàng”, treo trước cửa để hãnh diện với khách viếng thăm nhà.
Tuy nghề bán chữ trông dễ ăn như vậy nhưng không phải ai cũng làm được. Ngoài kỹ thuật viết chữ đẹp, ông đồ còn phải có một trình độ văn chương nhất định. Nói theo Hoa Nghiêm thì ông đồ phải có kiến thức bên ngoài, có cái tâm bên trong thì mới tư vấn cho khách câu chữ nào phù hợp với kỳ vọng đầu năm của khách.
Lương Minh 25-1-2010
(Đã đăng báo xuân Vũng Tàu năm Canh Dần)
 
 
 
 
Tranh khắc gỗ, thủ bút Hoa Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
ban thu phap| Thư Pháp việt | thư pháp | đẹp | cửa hàng thư pháp | - |thư pháp tình yêu | thư pháp đẹp |