Calligraphy tại USA| Thư pháp tại Mỹ

Sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam

Cùng với các loại văn bản và thư tịch cổ, sắc phong được xem như một loại văn chính thống của nhà nước phong kiến. Trải qua thời gian và bom đạn chiến tranh, hàng ngàn sắc phong vẫn được các làng quê và dòng họ VN nâng niu gìn giữ như một báu vật. Lý do vì sao?

Sắc phong (gọi đầy đủ là đạo sắc phong) xuất hiện từ khoảng thế kỷ 15, dưới triều nhà Lê, được xác nhận bằng ấn triện của nhà vua mang nội dung công nhận có tính nhà nước, đồng thời thể hiện quyền lực của triều đình đối với các làng xã. Cùng với các loại văn bản và thư tịch cổ như chiếu, chỉ, hịch, văn bia, gia phả,… sắc phong được xem như một loại văn bản pháp quy chính thống của nhà nước phong kiến.

Dấu ấn quyền uy

Theo các nhà nghiên cứu, về cơ bản, sắc phong gồm có hai loại. Loại thứ nhất dùng để phong cấp, tưởng thưởng chức tước cho các công thần. Đây được xem là vật gia bảo và thường được cất giữ cẩn thận tại các gia đình hoặc nhà thờ họ. Hiện, những sắc phong này còn khá nhiều ở các dòng họ ở Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, Thái Bình…



Sắc phong thành hoàng làng năm Minh Mạng 21.


Loại thứ hai là sắc phong thần cho các thần linh hoặc những bậc hiển thánh (thành hoàng làng), là tài sản chung của cả cộng đồng làng xã cho nên thường được cất giữ tại các đình, đền, miếu mạo. Rất nhiều đình, đền trong cả nước còn giữ được các bản sắc phong loại này.

Về hình thức, trên mỗi sắc phong đó, dấu ấn uy quyền của các vị vua cai trị được thể hiện khá rõ rệt. Chẳng hạn, giấy phong cho bách quan có 3 hạng thì hạng Nhất, xung quanh khung có vẽ 8 con rồng nhỏ, mặt trước vẽ một con rồng lớn, ẩn trong mây, gọi là Long ám, mặt sau vẽ hình Tứ linh (Long-Ly-Quy-Phượng); hạng Nhì, xung quanh khung vẽ mây hoặc họa tiết hồi văn, mặt trước vẽ một con rồng, mặt sau vẽ Nhị linh (hai con vật trong Tứ linh); hạng Ba, xung quanh in triện gấm, mặt trước vẽ một con rồng ở giữa và bốn góc in hình Ngũ tinh (Năm ngôi sao), mặt sau vẽ bầu rượu túi thơ.

Giấy phong cho bách thần cũng có 3 hạng, trong đó, Thượng đẳng thần xung quanh in triện hoa chanh, phía trước vẽ một con rồng, ở giữa in hình Ngũ tinh, bốn góc in hình Thất tinh, mặt sau vẽ hình Tứ linh; trung đẳng thần mặt trước giống như sắc Thượng đẳng thần, mặt sau vẽ Lá và Bầu rượu, giữa vẽ hai chữ Thọ liền nhau, gọi là song thọ; hạ đẳng thần mặt trước giống như hai hạng trên, mặt sau không vẽ.

Độc bản

Dòng họ nào có người được ban sắc phong, làng xã nào có thành hoàng được ban sắc là một vinh dự vô cùng to lớn, nghi lễ rước sắc phong vì thế cũng được tổ chức đặc biệt trang trọng. Theo sách Đại Phùng tổng khoán ước: “Sắc đưa về đến đình, chép thêm ra một bản, giống như bản chính (đều dùng giấy vàng mực đen, lấy người có chữ đẹp trong thôn viết đằng tả), rồi lập một hương án, đặt lên, vái 5 vái (thay thần tạ ơn vua). Sau đó, hóa bản sao đi, còn bản chính thì rước vào trong đình”. Chính vì thế, sắc phong nào chỉ cũng có duy nhất một bản.

Trong mỗi bản sắc phong, niên đại tuyệt đối đến tận ngày, tháng, năm. Niên đại của sắc phong được ghi ở cuối văn bản gồm niên đại triều vua ban sắc, tháng ngày ban sắc, chẳng hạn: Sùng Khang cửu niên thập nhất nguyệt sơ lục nhật (Ngày 6 tháng 11 năm Sùng Khang thứ chín, tức là năm 1574, dưới triều Mạc Mậu Hợp), hay: Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật (Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 tức là năm 1924 dưới triều vua Khải Định nhà Nguyễn).

Niên đại tuyệt đối chính xác là căn cứ để có để người đời sau có thể hiểu về phong cách mỹ thuật, thư thể của từng thời kỳ lịch sử.

Hiện, còn 2 đạo sắc phong được cho cổ nhất. Một đặt tại đền Quang Lang, thôn Quang Lang, xã Thụy Hải, huyện Thái Thuỵ, (Thái Bính) với niên hiệu Hồng Đức 23 (1492) và Hồng Đức 28 (1497) dưới triều vua Lê Thánh Tông; một đăt ở đính Tử Dương, làng Tử Dương, (tên Nôm là làng Tìa), xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay thuộc về Hà Nội) với niên hiệu Sùng Khang 9 (1574) dưới triều Mạc Mậu Hợp.




Sắc phong chức tước cho Trần Bá Hữu năm Cảnh Thịnh 9 (1801) ở Bình Định. Ảnh: thuhoavn.com



Được làm từ chất liệu quý

Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, sở dĩ các sắc phong tồn tại được đến ngày nay, dù trải qua nhiều thế kỷ, chịu nhiều tác động của thiên nhiên và con người, là do được viết trên chất liệu giấy sắc hay còn gọi là giấy Nghè (vì được làm tại làng Nghè tên Nôm của làng Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Nội). Đây là một loại giấy được sản xuất bằng kỹ thuật cổ truyền đặc biệt để chuyên cung cấp cho triều đình sử dụng.

Loại giấy này quý trước hết là ở nguyên liệu dùng để vẽ lên bề mặt giấy là vàng, bạc và kim nhũ. Nhờ nguyên liệu này mà giấy sắc có hình thức và màu sắc đã đẹp lại bền, có thể tồn tại hàng trăm năm mà không hề hư hỏng. Quý vì lẽ thứ hai: làm giấy sắc đòi hỏi rất nhiều công phu.

Theo bí quyết còn truyền lại ở làng Nghè, để xeo một tờ giấy sắc cho hàng Nhất phẩm thì phải có 5 người thợ cùng góp sức một lúc. Giấy để phong cho hàng phẩm cấp thấp hơn (tức là từ Nhị phẩm xuống tới Cửu phẩm), khổ giấy hẹp hơn, cũng phải cần tới 3 người. Đấy là công đoạn xeo giấy, phần vẽ giấy sắc mới là khâu tinh xảo nhất, công phu nhất, đòi hỏi tay nghề cao. Vẽ gồm hai công đoạn: Vẽ chạy và Vẽ đồ. Vẽ chạy là vẽ ra hình rồng mây, hình triện, hoa văn; việc này do những thợ giỏi thực hiện… Vẽ đồ là theo nét vẽ chạy mà tô kim nhũ, vàng bạc…

Trong khi tư liệu Hán Nôm ghi trên chất liệu giấy chỉ có niên đại từ thời Nguyễn trở về sau (từ 1802 đến nay), thì nhiều đạo sắc phong lại có niên đại thời Lê sơ, thời Mạc; vì thế, theo Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, sắc phong là một di sản quý của dân tộc và là nguồn tư liệu quý hiếm cần được bảo vệ và nghiên cứu hơn nữa để phát huy tác dụng.




Nguồn : Vân Nhi - baodatviet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét