Calligraphy tại USA| Thư pháp tại Mỹ

Năm thể chữ chính trong Thư Pháp Việt

Theo chúng tôi, nghệ thuật thư pháp đương đại Việt Nam có thể được chia ra làm năm thể loại chính như sau:

ĐIỀN THỀ, THUỶ THỂ, MỘC THỂ, PHONG THỂ VÀ BIẾN THỂ:a. Điền thể: Là lối chữ mô phỏng theo chữ viết Trung Hoa, xuất hiện từ thời chữ quốc ngữ bắt đầu phổ biến và được dùng nhiều trong việc trang trí các đền chùa và miếu…Chữ được viết có sắp xếp gọn trong bố cục hình vuông hay tròn và phân bổ theo chiều dọc và ngang đều như những thuở ruộng (theo phong cách chữ Hán).

b. Thuỷ thể: Đây cũng là một dạng chữ mô phỏng theo chữ Trung Hoa, các nét trong một chữ không viết thành hàng ngang theo nguyên tắc viết chữ quốc ngữ thông thường, mà được viết theo chiều dọc từ trên xuống như dáng một thác nước đang tuôn chảy. 
c. Mộc thể: Là kiểu chữ được viết chân phương mộc mạc, đơn giản, dễ nhìn, tốc độ vừa phải. Kết hợp từ các đường nét cơ bản lại với nhau một cách nghiêm túc chuẩn mực. Đây là lối chữ thích hợp cho những người mới vào học viết thư pháp. Lối chữ này thường được dùng để viết những nội dung mang tính chất nghiêm túc trang trọng và dễ truyền tải nội dung đến người thuởng lãm.
d. Phong thể: Là lối chữ viết nhanh, trôi chảy, không ngập ngừng, như một cơn gió thoảng qua. Các nét được nối với nhau liên tục, ngọn bút hạn chế nhấc lên khỏi mặt giấy. nét chữ mang tính nghệ thuật cao chứa nhiều cảm xúc nhưng gọn gàng, nghiêm túc và dễ đọc hơn biến thể.
e. Biến thể: Là loại chữ viết mang đậm cá tính, ngọn bút xuất phát từ cảm hứng cao độ, vận bút nhanh, đường nét trôi chảy không ngập ngừng tính toán. Lối chữ này sử dụng nhiều kỹ pháp liên bút. Ngọn bút hạn chế nhấc lên khỏi mặt giấy tối đa. Chính vì các nét được nối liên tục với nhau, chữ này đôi khi lại nối sang chữ kia nên dễ gây nhầm lẫn và khó đọc hơn các thể chữ khác.
Trích Thư pháp Việt lý thuyết và thực hành của Đăng Học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét