Tìm về thư pháp xuân
chữ Xuân thư pháp việt của thư pháp Đăng Học |
Tặng nhau bài thơ, câu đối hoặc bức thư pháp ngày đầu xuân cùng những lời chúc phúc là điều mà người Việt hay làm. Sau thời gian dài trầm lắng, những tưởng cái thú chơi chữ, nghệ thuật thư pháp tại Việt Nam dần mai một. Nhưng vài năm trở lại đây, thú chơi này đang dần phát triển, khẳng định sức mạnh tiềm ẩn của một nét văn hoá Việt…
Thú chơi đang được phổ biến
Tìm về thư pháp ngày xuân
Tác phẩm" Hòn vọng phu"Buổi tổng kết hoạt động Nhà Xuất bản Lao Động chi nhánh phía Nam năm 2006, ông Lê Huy Hoà (thường trực NXB Lao Động khu vực phía Nam) đã mời nhà nghiên cứu Hán - Nôm Phạm Hoàng Quân viết tặng mỗi khách mời một bức thư pháp và ý tưởng này đã nhận được nhiều sự hoan nghênh.
Đây không còn là trường hợp cá biệt khi nhiều đơn vị, công ty đã mời người viết tặng khách hàng, nhân viên một bức thư pháp thay cho món quà chúc mừng nhân dịp năm hết tết đến.
Vài năm nay, cứ dịp xuân về, nhiều điểm tại TPHCM đã trở thành nơi hội ngộ của các nghệ sĩ thư pháp như góc đường Trương Định – Điện Biên Phủ, Hội Hoa xuân TP hay tại Trung tâm Văn hoá quận 5… Lớn thì có những cụ 60-70 tuổi, trẻ thì có những cô cậu sinh viên chỉ độ đôi mươi, có người mặc quần tây áo sơ mi, cũng không ít người áo dài khăn đóng như những cụ đồ khi xưa. Thư pháp Hán có, Việt có, phong cách rất đa dạng và thể hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau, từ vải, giấy, mảnh tre, thậm chí thư pháp cả trên những viên đá cuội… tất cả tạo nên bức tranh phong phú, thu hút nhiều người thưởng lãm, vừa đáp ứng nhu cầu người mua.
nhà thư pháp Hoa Nghiêm đang viết chữ phúc thư pháp việt |
Lê Minh, người gần 5 năm “ngồi đồng” tại phố thư pháp Trương Định tâm sự: “Từ hồi học lớp 12, một lần tình cờ đi ngang qua đây, thấy hay nên ghé vào xem rồi đâm ra mê. Từ đó năm nào tôi cũng ghé từ 23 đến 30 tết…”. Học xong phổ thông, Minh thi vào Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM chuyên ngành Hán-Nôm để được thoả niềm đam mê của mình. Từ một người ngồi xem, nay Minh đã trở thành “ông đồ” trẻ. 10 năm về trước, nói đến thư pháp chữ Hán tại TPHCM người ta có thể kể tên những nghệ sĩ thư pháp nổi tiếng người như Trương Lộ, Huỳnh Tuần Bá, Lý Khắc Nhu, Lý Tùng Niên, Quan Tồn Chí, Trương Hán Minh… thì nay đã xuất hiện khá nhiều những “cây bút” trẻ.
chữ Tết thư pháp việt thủ bút Thanh Hải |
Bên cạnh dòng chảy thư pháp Hán, thư pháp quốc ngữ cũng ngày càng phát triển và được đông đảo giới trẻ hưởng ứng. Bạn Hà Hương Linh, sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM, một “tín đồ” thư pháp tâm sự “So với thư pháp Hán, thư pháp quốc ngữ cũng tinh tế không kém, người viết tha hồ phóng bút, thả bút để thể hiện cái thần trong từng con chữ. Đặc biệt, đa số tác phẩm thư pháp quốc ngữ đều được trích từ ca dao, dân ca, dễ đọc dễ hiểu nên ai cũng có thể cảm được cái hồn của dân tộc”. Bởi thế, chỉ vài năm đã có hàng chục CLB thư pháp quốc ngữ hay còn gọi CLB thư pháp việt với hàng trăm thành viên và nhiều học viên đang theo học và còn có gần 10 trang web giới thiệu các CLB thư pháp.
Chút hoài cổ…
Tìm về thư pháp ngày xuân
Chơi chữ từng được ông cha ta xem là cái đạo, thờ chữ để rèn tâm, viết chữ để dưỡng tính, xin chữ chọn thầy, cho chữ chọn người… do đó không phải ai cũng đủ “bản lĩnh” bước chân vào chốn lắm công phu này. Thư pháp đem lại món ăn tinh thần, khơi dậy cái đẹp nội tâm, nuôi dưỡng và hình thành những nhân cách đẹp.
Xưa, thư pháp được xem là thú chơi của các cụ đồ nho, các bậc quân tử. Lịch sử Thư pháp Trung Hoa truyền lại đến hôm nay hàng trăm tấm gương luyện bút như Chung Diêu, Vương Hi Chi, Thích Trí Vĩnh, Lý Thế Dân… Họ là những người dám hy sinh cả một quãng đời để luyện bút, bút cùn quẳng lại thành gò, rửa bút nước ao thành mực. Như Vương Hi Chi mất 15 năm chỉ để luyện chữ Vĩnh (“dụng tâm thập ngũ niên, thuỷ công nhất vĩnh tự”), như Thích Trí Vĩnh, cháu 7 đời của Vương Hi Chi, lên chùa rồi không xuống, ở đó 40 năm luyện thư pháp (“đăng lâu bất hạ tứ thập niên”)…
Đủ thấy rằng, để có được bút lực, chưa nói đến sở học, các nghệ sĩ thư pháp học đã tốn biết bao công phu khổ ải. Trung Quốc có một nền thư pháp lâu đời, không ngừng phát triển và nâng tầm thành nghệ thuật. Những người được xem là nghệ sĩ thư pháp đầu tiên của Việt Nam là Phạm Sư Mạnh, vua Lê Cảnh Hưng, Lê Thánh Tông, chúa Trịnh Sâm, Cao Bá Quát…
Với chữ quốc ngữ, khi xuất hiện ở Việt Nam đã có nhiều tác phẩm viết như rồng bay phượng múa, nhưng chưa được xem là thư pháp. Khoảng năm 1950, trào lưu thư pháp, tranh nổi bật với các nghệ nhân như Vũ Hối, Nam Giang. Đặc biệt, từ những bài thơ của Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương viết theo lối thư pháp khoảng những năm 1950 đã đánh dấu sự ra đời của Thư pháp quốc ngữ và Đông Hồ được xem là ông tổ của thư pháp quốc ngữ. Từ đây, thư pháp quốc ngữ như mạch ngầm lan toả vào đời sống người dân Việt.
CHIẾN DŨNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét