inChẳng biết duyên cớ nào mà em lấy hiệu là Tùy Phong, không biết có phải là mê cái nhân vật Tùy Phong trong phim Thập Diện mai Phục của Tàu không nữa. Nhưng cái tên ấy hay, rất ấn tượng với tôi. Ở đời, sống được vơi cái chữ "Tùy" tưởng dễ mà thật khó vô cùng. Có kẻ cố tình "tùy" mà tùy chẳng được. Lại có người sinh ra là đã như ngấm thiền từ trong bụng mẹ, ai nói gì làm gì cũng đều "tùy" tất. Chữ ấy đặt trước chữ "phong’, làm nên cái vẻ gì đó vừa kiêu hùng lại vừa kiêu bạc, nhưng cũng thật chẳng thiếu cái chất thơ và chất tình trong ngút trùng phiêu lãng.
Tùy Phong Nguyễn Thanh Hải
Nhưng tôi thì nghi lắm! Nghĩ về Hải, tôi cứ nghi nghi là em khó mà theo được cái nghĩa của hai chữ Tùy-Phong. Nhưng có một điều em làm tôi tin, tin vô cùng, đó là tình yêu của em dành cho con chữ Việt, nhất là những con chữ Việt được viết bằng bút lông chấm mực tàu. Không nhớ hết có bao lần tôi và em ngồi nói chuyện với nhau về cái thứ tình yêu ấy. Và tôi hiểu, đằng sau cái mạo dáng to cao, phốp pháp của Hải, là cả một suy tư trầm lắng, không có chỗ cho sự ồn ào huyên náo, không có chỗ cho ganh đua hôi lợi bòn danh. Cái điều tưởng như "vớ vẩn' ấy, mà ít ai trong giới pháp pháp thư thư có được, họa chăng có có cũng chỉ là... có giả vờ mỗi khi tết đến xuân về, ra vỉa hè Văn Miếu ngồi tỏ ra vẻ ấy để lừa con cháu sinh viên học sinh thôi. Chứ trong lòng thì rộn như mở cờ thúc trống khi nghe ai đó phỉnh cho vài tiếng.
Tùy Phong là con của vùng đất sông Âm, miền tây Xứ Thanh. Đồn rằng, vùng đất ấy, thuở rừng lim còn làm dựng tóc gáy kẻ đi đêm, huyền thoại và truyền thuyết nơi vùng đất ấy nhiều đến nỗi nông phu có thể lượm nhặt dưới luống cày! Người có chữ, có văn thì nói, vùng đất ấy văn chương nhiều hơn lúa gạo. Tôi phàm phu tục tử thì nói toạc ra rằng, đó là mảnh đất chó ăn đá gà ăn sỏi. Thế mà, kì lạ thay, cứ như tạo hóa thích đùa, cứ hễ nơi đâu nghèo đến xác xơ trơ cành trọc lá, thì những nơi ấy đều phát tích một cái gì đó rất dị kỳ. Người nào chưa từng đến quê Thanh, chưa đặt chân đến những vùng đất như thế, sẽ rất khó hình dung về cái bạc của đất lẫn trời. Nên ai đó thoát ra khỏi được lũy tre làng, khoác được bộ y cánh trí thức trên vai, họ cũng sẽ là kỳ nhân cả. Chí ít là trong mắt tôi như thế. Cứ nhớ cái thuở nào nơi quê hương ấy, chúng tôi chưa đến nỗi phải chết đói, dù ăn ghế ăn độn rau má rau bần vắt sữa xanh xao, nhưng chết hụt vì tệ nạn đến cả chục lần. Nên giờ nhìn thấy ai cũng thấy mừng mừng tủi tủi.
Chả biết có phải Tùy phong bị nhiễm cái linh khí của ngút trùng ái bạc ấy không, nhưng con chữ của em thì đầy những ngoắt nghoéo đẩy đưa. Chữ của em trông kỹ nó cứ giống như nồi cơm của người quê Xứ Thanh trong ngày giáp hạt, độn ghế đủ loại trên đời! Tý của người này, tý của người khác và một tý nữa là của riêng em ấy. Nên khi viết ra, nom xa thì khí phách, ngó gần thì ẻo ợt, vì chữ Quốc ngữ viết bằng bút lông của em nó quá nhiều nét dày mỏng đan nhau, nhưng lại chưa bật ra được cái tính cách cá nhân, vì thế mà nó rơi vào cái nhóm chung chung của đại đa số người cầm bút lông viết chữ Việt. Song, điều làm tôi ấn tượng nhất ở em, chính là cái tinh thần tự học và cầu học. Sự khát học của những đứa-con-Thanh thì tôi rất hiểu, và, tôi trân quý em vì lẽ đó. Chỉ cần anh em nói chuyện một vài lần, tôi đã thấy em khác rất nhiều về và tiến bộ rất nhiều trong những tác phẩm ra đời. Bỗng nhớ cái lý luận về chữ học của cụ Sào Nam trong Khổng Học Đăng, khi bàn về chữ học, cái lớn nhất chính là tự học, nên cái sự nhìn thấy trong việc học của Ttùy Phong, ấy chẳng phải là cái lối trong đạo học đó ru?
Chữ quốc ngữ viết bằng bút lông lâu nay được đa số người gọi là "Thư pháp chữ Việt", chuyện ấy thế nào, nhiều người đã bàn và sẽ vẫn còn phải bàn nhiều nữa, nếu như muốn làm được chút gì đó có-giá-trị thực sự trong việc xây dựng lý luận cho nó. Tuy nhiên, xét ở góc độ người chơi, nó là gì chưa biết, nhưng chắc chắn nó đã và đang là một sức hút khá lớn đối với những người yêu thích và... nghiện nó. Tôi cũng là một trong những người nghiện cái trò dùng bút lông viết chữ Việt. Chỉ tiếc rằng, những người như Tùy Phong, sức trẻ có thừa, công phu dẫu ít hay nhiều nhưng cũng đã một đôi lần ra trước vỉa hè Miếu Khổng để so le, vậy mà, không dấn thân thêm vài ba bước nữa... Có khi, sẽ bước xuống vực sâu, nhưng cũng chẳng biết chừng lại ra biển lớn. Làm thì chưa chắc đã thành công, nhưng không làm thì sẽ chẳng có cái gì là thành công cả.
Chẳng hiểu sao, trong những giấc mơ con chữ vẫn thường ập về trong lần tập bút lông trong tưởng tượng, tôi thấy Tùy Phong đang nói cười trong một triển lãm ở đâu đây... Có lẽ, cái mong muốn và hi vọng cháy bỏng của kẻ làm anh muốn em mình trình hiện trong tôi nó đã ngấm cả vào mơ. Chỉ e... đời ngoài kia nhiều mộng quá mà thôi!
Nguồn : Trịnh Tuấn - trinhtuan.net